Đối với những khoản tiền nhàn rỗi của các cá nhân, mỗi người đều có cách đầu tư khác nhau để sinh lợi như: gửi tiết kiệm tại ngân hàng, mua bán nhà đất, đầu tư chứng khoán…., nhưng một số khác lại dùng nguồn tiền đó để cho vay lấy lãi hàng tháng. Xuất phát từ giao dịch dân sự là sự tự nguyện thỏa thuận của các bên, đó mức lãi xuất cho vay thường cao hơn gấp nhiều lần so với lãi quy định của Nhà nước, dẫn đến tình trạng cho vay nặng lãi xảy ra phổ biến và diễn ra trong một thời gian dài, hệ lụy của việc cho vay nặng lãi là người vay mất khả năng trả tiền lời, số nợ ngày một tăng lên với cấp số nhân, tình trạng sử dụng bạo lực để đòi nợ ngày một nhiều và mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tính mạng của con người, tội phạm hình sự vì thế cũng gia tăng. Từ giao dịch dân sự đã chuyển hóa thành tội phạm hình sự.
Để giải quyết vấn nạn này,Hội đồngThẩm phán TAND Tối cao mới ban hành Nghị quyết 01/2021/NQ- HĐTP ngày 20/12/2021 hướng dẫn áp dụng Điều 201 của Bộ Luật Hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao giải thích “Cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1, Điều 468, Bộ Luật Dân sự (lãi suất, mức lãi suất vay tiền theo thỏa thuận không vượt quá 20%/năm; nếu thỏa thuận không rõ thì sẽ là 10%/năm). Giải quyết trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải tiền), cơ quan chức năng cũng như các bên phải quy đổi tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng đề cập chi tiết nhiều trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Đơn cử, nếu người cho vay lãi nặng thực hiện nhiều hành vi khác nhau liên quan đến việc đòi nợ (dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần, gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc có hành vi khác để lấy tài sản …) thì họ còn chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.Hay người cho vay lãi nặng nhằm thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên nhưng họ chưa thể thu lợi (vì nguyên nhân ngoài ý muốn); hoặc thu lợi bất chính dưới 30 triệuđồng. Trong trường hợp này, cơ quan pháp luật có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính mà người cho vay nhằm đạt được. Khi quyết định hình phạt, tòa án áp dụng quy định pháp luật hình sự về phạm tội chưa đạt.
Tương tự, nghị quyết hướng dẫn cách xử lý người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà các lần thu lợi bất chính đều dưới 30.000.000 đồng nhưng tổng số tiền thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và các hành vi này chưa lần nào bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, trong đó có một lần cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên và hành vi cho vay lãi nặng này chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; còn các hành vi cho vay lãi nặng khác thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, các hành vi này chưa bị xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng với tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần cho vay lãi nặng, không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
Nếu bạn còn bất cứ vấn đề gì chưa rõ, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn, giải đáp một cách cụ thể nhất
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ LÊ GIANG- LEGIANGLAW
Địa chỉ: 47/1 Nguyễn Văn Đậu, Phường 6, Quận Bình Thạnh, TP.HCM, Việt nam.
Trưởng văn phòng: Luật sư Lê Hoài Giang
Luật sư tư vấn(Telephone, zalo, viber) : 0903.392.117-0902.268.667- 0901.85.96.83.
Website: www.legianglaw.com
Email: giang.lehoai@legianglaw.com