Kết hôn là sự tự nguyện giữa hai bên nam, nữ. Do đó, nếu một trong hai người không còn tình cảm với người kia thì được quyền kết thúc mối quan hệ đó. Tuy nhiên, trong thực tế không phải dễ dàng, có nhiều trường hợp nhà trai, nhà gái hủy hôn sau khi đã trao sính lễ nhưng chưa tổ chức đám cưới. Vậy sau khi trao sính lễ mà hủy hôn thì có được đòi lại sính lễ không?
Ở góc độ văn hóa, việc trao nhận sính lễ trước khi tổ chức đám cưới là một phong tục, tập quán của người Việt Nam. Việc trao, nhận sính lễ được xuất phát từ sự thiện chí, mong muốn kết thông gia của hai bên gia đình, sính lễ xem như vật đảm bảo cho việc sẽ tổ chức đám cưới.
Ở dưới góc độ pháp lý, việc trao và nhận sính lễ giữa nhà trai và nhà gái có thể xem là một hình thức của hợp đồng tặng cho tài sản. Theo quy định tại Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên (cụ thể nhà trai và nhà gái), theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận. Trong đó, hợp đồng tặng cho tài sản chia làm 02 loại:
- Hợp đồng tặng cho tài sản không có điều kiện: Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015 quy định bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.
– Hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện: Theo quy định tại Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015, bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Do đó, trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, khi nhà trai tặng sính lễ cho nhà gái trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, không ép buộc và không có điều kiện cụ thể nào và nhà gái đồng ý nhận thì khi hủy hôn, nhà trai không có quyền đòi lại sính lễ.
Mặc dù vẫn có trường hợp nhà trai đặt điều kiện sau khi trao sính lễ nhà gái không được hủy hôn, nếu hủy hôn phải trả lại sính lễ thì vẫn được đòi lại sính lễ. Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nêu rõ kết hôn dựa trên tinh thần tự nguyện của các bên nên nếu các bên không tự nguyện thì không được phép ép buộc.