spot_img

ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG DO KHÔNG CHẤP HÀNH QUYẾT ĐỊNH CHUYỂN ĐỊA ĐIỂM LÀM VIỆC

Đáng Quan Tâm

Chủ Đề Khác

Thực tế có nhiều trường hợp trong thời hạn hợp đồng lao động, do nhu cầu công việc người lao động được chuyển đi làm ở nhiều địa điểm khác nhau trong cùng một hệ thống chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh của người sử dụng lao động. Nhưng không ít trường hợp người lao động không đồng ý với quyết định chuyển địa điểm làm việc và tự ý bỏ việc 05 ngày liên tục trong một tháng, vậy người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hay không?

Văn phòng chúng tôi đã tiếp nhận và tư vấn cho một tình huống pháp lý tương tự, cụ thể khi ký hợp đồng lao động với thời hạn 01 năm, giữa người lao động và sử dụng lao động có thỏa thuận địa điểm làm việc là trụ sở tất cả các chi nhánh của công ty và theo sự điều động của công ty vào từng thời điểm. Khi vào làm việc mới chỉ được vài tháng thì người lao động có mâu thuẫn với đồng nghiệp, đã được công ty mời lên làm việc lập biên bản và cho về tiếp tục làm việc và tự điều chỉnh lại thái độ làm việc. Tuy nhiên, người lao động vẫn không thay đổi mà tiếp tục có mâu thuẫn với đồng nghiệp, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của công ty. Do đó, công ty họp và có quyết định điều chuyển cả hai người lao động đi làm ở hai chi nhánh khác nhau, nhưng người lao động không đồng ý với lý do xa nhà và tự ý nghỉ việc 05 liên tiếp trong một tháng. Công ty đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động theo hình thức sa thải. Hiện nay, người lao động đang khởi kiện công ty vì cho rằng công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và đòi bồi thường về BHXH, BHYT, tiền lương và tiền vi phạm thời gian báo trước.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ và các quy định có liên quan, chúng tôi đã đưa ra ý kiến pháp lý như sau:

  1. Đơn phương chấm dứt hợp đồng:

Trường hợp công ty xác định căn cứ để chấm dứt HĐLĐ là “nghỉ việc 05 ngày liên tục trong một tháng mà không có lý do chính đáng” để ra quyết định sa thải, thì công ty buộc phải chứng minh lý do chính đáng mà công ty dùng làm căn cứ. Theo quy định tại khoản 4 Điều 125 BLLĐ 2019 “Lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động. Như vậy, ngoài các lý do luật quy định như đã nêu, công ty phải căn cứ vào nội quy lao động để xác định việc người lao động nghỉ việc do không đồng ý với quyết định chuyển địa điểm làm việc của công ty có phải là lý do chính đáng hay không?. Trường hợp nội quy công ty không có quy định là lý do chính đáng, thì trong trường hợp này người lao động đã tự ý nghỉ việc, công ty có đủ căn cứ để chấm dứt hợp đồng lao động và không phải báo trước theo quy định tại khoản 3 Điều 36 BLLĐ.

  • Về trình tự chấm dứt hợp đồng lao động theo hình thức sa thải:

Căn cứ vào Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn BLLĐ, thì khi tiến hành kỷ luật lao động theo hình thức sa thải, công ty phải tổ chức cuộc họp, trong đó phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên và tiến hành lập biên bản họp xử lý kỷ luật lao động, có chữ ký của tất cả các thành viên dự họp. Tuy nhiên, công ty chỉ lập biên bản vi phạm mà không có họp xử lý kỷ luật lao động là chưa đúng trình tự theo quy định của pháp luật. Do đó, việc sa thải người lao động là trái với quy định của pháp luật.

3. Đối với các khoản bồi thường:

Công ty phải bồi thường cho người lao động các khoản sau:

1. Tiền lương những ngày người lao động không được làm việc;

2. Đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN trong những ngày người lao động không làm việc;

3. Hai tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

4. Bồi thường thêm 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

5. Tiền không báo trước khi chấm dứt hợp đồng;

Ngoài ra, nếu công ty đã thu tiền đóng BHXH của người lao động nhưng chưa đóng cho cơ quan bản hiểm thì công ty buộc phải hoàn thành nghĩa vụ đóng và chốt trả sổ BHXH cho người lao động, trả tiền lương còn thiếu (nếu có).

Như vậy, qua tình huống pháp lý trên các doanh nghiệp cần phải thận trọng khi đơn phương chấm dứt hợp đồng theo hình thức sa thải, vì cho dù lý do sa thải là đúng nhưng trình tự thực hiện thủ tục sa thải không đúng thì vẫn bị xem là chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và phải bồi thường cho người lao động.

0/5 (0 Reviews)
- Advertisement -spot_img
- Advertisement -spot_img

Bài Mới