Trong thực tế cuộc sống có rất nhiều trường hợp một người gây thiệt hại cho người khác trong trạng thái không có khả năng nhận thức về hành vi của mình, vậy những thiệt hại gây ra cho người bị hại ai là người chịu trách nhiệm bồi thường?
Theo quy định của BLDS những trường hợp sau đây buộc phải có người giám hộ:
– Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;
– Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;
– Người mất năng lực hành vi dân sự;
– Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Vậy người giám hộ chịu trách nhiệm đến đâu đối với những thiệt hại do người được giám hộ gây ra ?
Tại khoản 3 Điều 586 BLDS 2015 người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản của bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình ra để bồi thường.
Như vậy, phạm vi trách nhiệm của người giám hộ đối với những thiệt hại do người được giám hộ gây ra chỉ khi người giám hộ có lỗi trong việc giám hộ dẫn đến người được giám hộ gây thiệt hại cho người khác. Nếu người giám hộ chứng minh được thiệt hại xảy ra không do lỗi của mình thì dù người được giám hộ không có tài sản hoặc có tài sản nhưng không đủ để bồi thường, thì người giám hộ cũng không có nghĩa vụ dùng tài sản của mình ra để bồi thường thiệt hại do người được giám hộ gây ra.