Theo quy định của pháp luật quyền lợi bảo hiểm nhân thọ cũng được xem là di sản thừa kế. Việc người chết để lại di sản cho những người còn sống là việc rất quen thuộc trong thực tế cuộc sống hàng ngày. Người chết có thể để lại di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tuy nhiên, việc thừa kế đối với di sản là quyền lợi bảo hiểm nhân thọ thì ngoài việc tuân thủ quy định chung về thừa kế di sản, còn phải xem xét đến nội dung của hợp đồng bảo hiểm đã được thỏa thuận như thế nào. Do đó, trong bài viết này chúng tôi sẽ phân tích các quy định một cách chi tiết cụ thể hơn.
Trước tiên, phải hiểu như thế nào là bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm. Theo quy định tại Khoản 13, 16 Điều 4 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 “Bảo hiểm nhân thọ là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết”; “Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng”.
Vậy ai là người được thừa kế bảo hiểm nhân thọ?
Trước tiên, muốn xác định được ai sẽ thừa kế quyền lợi bảo hiểm thì phải xem xét đến nội dung của hợp đồng, cần kiểm tra trong hợp đồng người mua bảo hiểm có lựa chọn người thụ hưởng là ai không. Nếu có điều khoản quy định cụ thể người thụ hưởng là ai thì khi người mua bảo hiểm chết, người thụ hưởng sẽ được nhận quyền thừa kế bảo hiểm nhân thọ. Trong trường hợp không có điều khoản điều khoản quy định về người thụ hưởng, việc thừa kế bảo hiểm nhân thọ sẽ được tiến hành theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Việc xác định đối tượng được hưởng theo di chúc hoặc theo pháp luật:
– Trường hợp không có điều khoản quy định người thụ hưởng bảo hiểm nhân thọ trong hợp đồng nhưng trước khi chết, người mua bảo hiểm đã lập di chúc có quy định rõ người được thừa kế có quyền lợi bảo hiểm nhân thọ của mình thì quyền thừa kế sẽ thuộc về người được chỉ định trong di chúc.
– Trường hợp không có điều khoản quy định người thụ hưởng bảo hiểm nhân thọ trong hợp đồng và trước khi chết, người mua bảo hiểm cũng không lập di chúc chỉ định người được thừa kế có quyền lợi bảo hiểm nhân thọ của mình thì quyền thừa kế sẽ được xác định theo quy định của pháp luật được quy định tại Điều 651, Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể:
“Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần thừa kế hợp đồng bảo hiểm bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do các nguyên nhân như đã chết, không có quyền, bị truất quyền hoặc từ chối quyền nhận thừa kế. Như vậy, người mua bảo hiểm nhân thọ có quyền để lại thừa kế quyền lợi bảo hiểm bằng cách xác định rõ người thụ hưởng trong hợp đồng bảo hiểm hoặc lập di chúc chỉ định người thừa kế hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.