Hiện nay tiền ảo đang thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm, vì chúng được thực hiện một cách dễ dàng, nhanh chóng và đôi khi cũng thu về một khoản lợi nhuận không nhỏ. Vậy tiền ảo là gì và có được công nhận như một phương tiện thanh toán trong các giao dịch tại Việt Nam hay không?. Trong phạm vi bài viết này sẽ được làm rõ để tiện Quý khách hàng theo dõi.
Tiền ảo là loại tiền điện tử (tiền điện tử là đơn vị tiền tệ hoạt động dựa trên các thuật toán điện tử và được lưu giữ trên internet, hệ thống máy tính, smartphone và các thẻ thanh toán điện tử) được phát hành bởi các công ty, tổ chức tư nhân không phải nhà nước và không được chính phủ công nhận, nhưng được công nhận giữa các thành viên trong một cộng đồng nhất định. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng không phát triển, thậm chí hiện nay loại hình này còn tạo nên cơn sốt trong giới đầu tư, bằng chứng là các đồng tiền ảo mới ra đời ngày càng nhiều. Hiện nay các loại tiền ảo phổ biến như: Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH), Ripple (XRP), Binance Coin (BNB), DigiByte (DGB), Maker (MKR), Chainlink (LINK)…v.v.v.
Vậy tiền ảo có được công nhận tại Việt Nam và xem như là một phương tiện thanh toán trong giao dịch trên các sàn thương mại điện tử hiện nay hay không?.
Căn cứ tại khoản 6, khoản 7 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012, được bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định như sau:
“ 6. Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
7. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định tại Khoản 6 Điều này.”
Bên cạnh đó, tại Điều 6 Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 21/11/2012, được bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 còn quy định các hành vi bị cấm trong thanh toán không dùng tiền mặt như sau:
“1. Làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, thay thế phương tiện thanh toán, chứng từ thanh toán; lưu giữ, lưu hành, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả.
2. Xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, phá hoại, làm thay đổi trái phép chương trình phần mềm, cơ sở dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi.
3. Cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình cung ứng và sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán.
4. Tiết lộ, cung cấp thông tin có liên quan đến tiền gửi của chủ tài khoản tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không đúng theo quy định của pháp luật.
5. Mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh.
6. Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”.
Như vậy, theo quy định trên tiền ảo không được công nhận là một phương tiện thanh toán trong các giao dịch. Vì vậy, pháp luật nghiêm cấm việc phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp dưới mọi hình thức. Do đó, tiền ảo cũng không được công nhận là một phương tiện thanh toán hợp pháp trên sàn giao dịch điện tử.